Cà phê là loại thực phẩm quan trọng, đóng vai trò cốt yếu trong nền kinh tế toàn cầu. Đây là 1 trong những loại hàng hóa được giao dịch nhiều trên thế giới. Sản phẩm cà phê có hai loại phổ biến là Arabica và Robusta.
- Cà phê Arabica có hạt hơi dài, có vị chua nhẹ và hương thơm nồng nàn. Loại cà phê này thích hợp với độ cao trên 600m, nơi có khí hậu mát mẻ, được trồng chủ yếu ở Brazil (chiếm tới 2/3 lượng cà phê hiện nay trên thế giới).
- Cà phê Robusta có hạt nhỏ hơn Arabica, có vị đắng và hàm lượng caffeine cao hơn. Loại này được trồng ở độ cao dưới 600m, nơi có khí hậu nhiệt đới. Việt Nam là đất nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Ở Việt Nam, cà phê Robusta được trồng nhiều nhất ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.
Trong cà phê có chứa caffeine, có tác dụng làm giảm mệt mỏi và tăng sự tỉnh táo. Ngoài ra, cộng đồng y tế công nhận những lợi ích khác từ việc tiêu thụ cà phê như: giảm ung thư đại trực tràng, giảm chóng mặt do huyết áp thấp, trì hoãn hoặc ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh Parkinson, ngăn ngừa sỏi mật…
TÌNH HÌNH SẢN XUẤT & TIÊU THỤ CÀ PHÊ TRÊN TOÀN CẦU
Sản lượng cà phê toàn cầu được đo bằng bao đay – một loại túi có thể chứa 60 kg cà phê. Tổng sản lượng cà phê xuất khẩu toàn cầu ước đạt hơn 150 triệu bao đay hàng năm. Trong đó, xuất khẩu cà phê Arabica thường chiếm hơn 60% tổng sản lượng. Các nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới bao gồm Brazil, Việt Nam, Thụy Sỹ, Colombia,…
Các nước xuất khẩu tiêu thụ khoảng một phần ba trong số hơn 150 triệu bao đay được tiêu thụ hàng năm. Brazil là nước tiêu dùng lớn nhất trong số các nước xuất khẩu. Các nhà nhập khẩu cà phê lớn nhất trên thế giới bao gồm Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản…
CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN GIÁ CÀ PHÊ
Các yếu tố về thu nhập, thời tiết và giá nguyên liệu có sức ảnh hưởng lớn đến giá cà phê. Cụ thể:
- Nguồn cung: Năm quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu chiếm khoảng hai phần ba sản lượng toàn cầu. Trong đó, hai nhà sản xuất lớn nhất – Brazil và Việt Nam – thường chiếm khoảng một nửa sản lượng hàng năm. Diễn biến sản xuất, bao gồm tình hình kinh tế – chính trị tại các quốc gia này đều có thể ảnh hưởng đến giá cả thị trường cà phê thế giới.
- Mức thu nhập: Mặc dù cà phê được tiêu thụ bởi phần lớn người dân toàn cầu, nhưng đồ uống không phải là một sản phẩm thiết yếu giống như lúa mì, gạo. Do đó, xu hướng thất nghiệp và thu nhập trung bình có thể là thước đo quan trọng trong tiêu thụ cà phê.
- Khí hậu: Cây cà phê rất nhạy cảm với điều kiện thời tiết, cần sự kết hợp lượng mưa và lượng nắng phù hợp để mang lại sản lượng tối đa. Khi những điều kiện thời tiết này không thuận lợi, sẽ làm cho nguồn cung sẽ bị hạn chế và giá cả tăng lên.
- Giá đô la Mỹ (USD): Cà phê thường được định giá bằng đô la Mỹ. Đồng đô la Mỹ mạnh có khả năng làm giảm giá cà phê và ngược lại.
- Giá dầu: Người trồng cà phê cần tới nhiên liệu để vận chuyển hạt cà phê của mình cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trên toàn thế giới. Vì vậy, giá dầu có thể có tác động lớn đến giá cà phê.
- Thông tin về sức khỏe: Cộng đồng y tế đã đưa ra bằng chứng mâu thuẫn về ảnh hưởng sức khỏe của việc uống cà phê. Mức độ mà công chúng chấp nhận thông điệp tích cực hoặc tiêu cực về cà phê có thể tác động đến nhu cầu và giá cả đối với hàng hóa.