Một hội thảo cấp quốc gia về nhân sâm Việt Nam tại tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Quá trình phát hiện, nghiên cứu, khai thác nhân sâm Việt Nam được nhắc lại một lần nữa để khẳng định giá trị cũng như nhiều vấn đề bức bách vẫn đang đặt ra trong việc bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên vô giá này.
Phương thuốc mật truyền trên đỉnh núi cao
Người Xê Đăng sống quanh chân Ngọc Linh thuộc địa phận hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum bao đời “mật truyền” một phương “thuốc giấu” lấy từ núi hiểm rừng sâu. Theo các bác sĩ ở huyện Trà My (Quảng Nam), cho đến tận bây giờ, tại những làng bản cách xa khu vực có cơ sở y tế hằng mấy ngày đường đi bộ, khi có người già đau ốm, trẻ em bị bệnh, phụ nữ sinh con, con trai con gái bị thú rừng cắn… đều được các già làng dùng “thuốc giấu” để chữa trị. Chẳng ai biết cây “thuốc giấu” có từ khi nào. Chỉ các già làng, như cổ thụ ẩn trầm, trước khi nhắm mắt xuôi tay mới truyền lại điều bí mật cho người được chọn… Trải bao thế hệ người Xê Đăng về với ông bà, cây “thuốc giấu” vẫn cứ là của hiếm quý báu mà núi rừng Ngọc Linh ban tặng cho con người.
Năm 1968, trong chuyến công tác ở vùng núi Ngọc Linh, kỹ sư thực vật Vũ Đức Minh phát hiện một loại dược liệu khá đặc biệt, anh tìm được vài củ đem về chữa vết thương cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Có kết quả điều trị tốt, anh báo cáo lên Ban Quân y Khu 5. Tháng 6-1972, Khu ủy Khu 5 đóng tại Trà My thành lập đoàn điều tra thuộc Ban Y tế Trung Trung Bộ và tháng 10, đoàn tiến hành tìm kiếm loại cây trên theo 2 hướng Đác Tô (Kon Tum) và Trà My (Quảng Nam). Ngày 18-3-1973, nhóm của dược sĩ Đào Kim Long và Nguyễn Châu Giang đã tìm thấy một cá thể loại cây này ở độ cao hơn 1.800 m thuộc mạn Nam Ngọc Linh. Quá trình nghiên cứu đã kết luận: Cây dược liệu đó là một loại nhân sâm vô cùng quý hiếm! Khu ủy Khu 5 chỉ đạo tiến hành khoanh vùng bảo vệ, khai thác làm thuốc chữa bệnh, trị thương cho cán bộ, chiến sĩ. Từ cây “thuốc giấu”, cây ngải rọm con, cây sâm cung, cây sâm đốt trúc… theo cách gọi của người Xê Đăng bản địa, những cái tên sâm K5, sâm Ngọc Linh, Panax articulatus Kim Long Dao cũng ra đời…
Cây nhân sâm Việt Nam
Tháng 5-2003, dược sĩ Đào Kim Long – người được ghi công phát hiện, được gắn tên cùng sâm Ngọc Linh theo tiền lệ thực vật chí – trở lại Ngọc Linh. Ông mang theo nguyên vẹn cảm xúc của thời khắc kỳ diệu đó: “Ngay trong ngày hôm ấy, chúng tôi phát hiện ra vùng sâm dày đặc, thuần chủng gần như còn nguyên thủy mọc xanh tốt và đang kỳ ra hoa… Chúng tôi được biết trước đây người Pháp cũng đã từng một vài lần tổ chức khảo sát, nhưng hoài công. Có lẽ chúng tôi may mắn hơn bởi tìm kiếm đúng vào mùa sâm ra hoa nên có điều kiện xác định ngay lập tức…”. Sự xác định ban đầu ấy trở thành tiền đề của hơn 50 luận án tiến sĩ, phó tiến sĩ sau này.
Sâm Ngọc Linh được đặt tên chính thức là sâm Việt Nam, một loài mới của chi Panax – loài thứ 20 được phát hiện trên thế giới với tên khoa học Panax Vietnamersis Haet Grushs Araliaceae. Nhân sâm Việt Nam được xếp hạng trong năm loài sâm quý được thế giới công nhận (cùng với nhân sâm của Triều Tiên, Trung Quốc và hai loài sâm Mỹ), vì có hợp chất đặc trưng Saponin dammaran. Dược sĩ Đào Kim Long cho biết, sâm Việt Nam có cùng chi Panax và cùng họ nhân sâm (Araliaceae) với sâm Triều Tiên và sâm Trung Quốc, là cây thảo sống nhiều năm, cao khoảng 0,6 m với lá kép mọc vòng, có cuống dài, gồm năm lá chét mọc thành hình chân vịt. Thường cây ba năm tuổi mới trổ hoa. Cụm hoa mọc giữa vòng lá kép mang rất nhiều hoa nhỏ có năm cánh, hoa mầu trắng hay lục nhạt. Quả mọng, khi chín mầu đỏ tươi, đa số có chấm đen ở đỉnh và có một hạt. Bộ phận sử dụng chủ yếu là rễ củ. Sâm Việt Nam có xu hướng phát triển thân rễ là chính và tốt nhất sử dụng sau 5 năm tuổi. Những tác dụng chính gồm: Tác dụng bổ chung, tăng lực và sinh thích nghi, phục hồi sự suy giảm chức năng giúp cho tình trạng của cơ thể trở lại bình thường (hồi dương). Tác dụng chống lão hóa, kháng các độc tố gây hại tế bào, giúp kéo dài sự sống của tế bào, tăng các tế bào mới. Tác dụng kích thích điều hòa cơ chế miễn dịch, tăng sức đề kháng của cơ thể, phòng và chống lại một số bệnh ung thư. Ưu thế đặc biệt của sâm Việt Nam là tính kháng khuẩn, tác dụng chống stress tâm lý mà sâm Triều Tiên và sâm Trung Quốc không thể hiện.
Bảo tồn và khai thác vùng nguyên liệu quý
Từ khi bí mật của cây “thuốc giấu” được phát hiện, ở hai địa phương Quảng Nam và Kon Tum, từng đoàn người tiến về đỉnh Ngọc Linh lùng sục đào bới nhân sâm thiên nhiên. Giữa thập niên 90, 1 kg sâm Ngọc Linh giá chợ đen lên đến hàng chục triệu đồng. Để có tiền, người ta chẳng sá chi rừng thiêng nước độc quyết đào cho ra sâm, “tận thu” bất kể là sâm già hay sâm non, miễn có củ có rễ. Người dân bản địa cũng vào cuộc. Suốt một thời gian dài, nguồn sâm thiên nhiên Ngọc Linh trên địa bàn hai tỉnh Quảng Nam, Kon Tum gần như tuyệt diệt. Từ 108 vùng sâm mọc tập trung (theo kết quả điều tra năm 1980) chỉ còn chưa đến 10 vùng, trong đó duy nhất vùng sâm ở Nước Nhét (Trà My) là gần như còn nguyên vẹn, các vùng khác đã suy kiệt nặng hoặc biến mất hoàn toàn.
Trước nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên vô giá, từ vài ba năm trở lại đây, hai tỉnh Quảng Nam, Kon Tum bắt tay vào việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng một số phương pháp kỹ thuật tạo giống nuôi trồng nhằm bảo vệ và phát triển nguồn sâm Ngọc Linh. Các địa phương đã xây dựng các trại sâm để tổ chức lại vùng trồng theo hướng trồng sâm bán hoang dại dưới tán rừng tự nhiên trong điều kiện khí hậu thổ nhưỡng phù hợp cho việc trồng và khai thác hợp lý nguồn dược liệu quý này. Bước đầu, hàng trăm nghìn cây sâm con đã được ươm trồng và đang phát triển ở độ tuổi từ một đến vài năm tại các trại sâm của hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, một số được giao cho người dân địa phương chăm sóc, bảo vệ. Ông Đặng Ngọc Thái, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Để cây sâm trở thành cây hàng hóa, tạo vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp dược, chúng tôi đang đề xuất xây dựng những dự án quy mô lớn, kèm theo sự hỗ trợ lương thực cho người dân trong vùng rừng có sâm ít nhất trong vòng sáu năm, thực hiện giao khoán rừng cho từng hộ dân, nghiêm cấm khai thác, buôn bán sâm chưa đủ sáu năm tuổi”. Việc di thực cây sâm Ngọc Linh ra khỏi tán rừng tự nhiên, trồng ở những độ cao thấp hơn, và sâm mọc ở vùng trồng mới có đạt chất lượng làm thuốc hay không, vẫn còn cần thời gian khảo sát thêm.
Bộ Y tế cũng rất quan tâm đến vùng dược liệu quý giá này. Tiến sĩ Trần Chí Liêm, Thứ trưởng Bộ Y tế, trao đổi: “Về cơ bản Bộ Y tế thống nhất chọn hướng đưa cây sâm Ngọc Linh thành cây hàng hóa, gắn với chương trình xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng sâm. Để có hướng đi cụ thể hơn, chúng tôi sẽ tham vấn các chuyên gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi sự hợp tác…”. Tương lai của sâm Ngọc Linh giờ đã sáng sủa hơn rất nhiều, và việc bào chế thuốc chắc chắn sẽ tiếp tục được nghiên cứu với nhiều triển vọng…
(Theo Peerless)