Có lẽ không cần phải giới thiệu quá nhiều về caffein, thành phần chính trong cà phê, từ lâu được biết đến là một chất kích thích, giúp chúng ta vượt qua được những cơn buồn ngủ và có tinh thần tốt hơn. Nhưng anh em có biết là caffeine cũng là một loại thuốc, có nghĩa là nó có thể tác động đến chúng ta theo nhiều cách khác nhau, phụ thuộc vào thói quen dùng cà phê và gen của chúng ta.
Nghịch lý của caffeine là ở trong thời gian ngắn, nó tăng cường sự chú ý và sự cảnh giác, giúp chúng ta tập trung hơn khi làm việc. Nhưng về lâu dài, caffeine lại có tác động ngược. Một phần nghịch lý này đến từ hiệu ứng của nó mà các nhà nghiên cứu gọi là “áp lực ngủ” (sleep pressure), nghĩa là càng về cuối ngày chúng ta càng cảm thấy buồn ngủ. Nói một cách dễ hiểu thì tính từ khi thức dậy, đồng hồ sinh học trong cơ thể đưa chúng ta qua trở lại giấc ngủ vào cuối ngày.
Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu bằng cách nào mà áp lực ngủ lại hình thành trong cơ thể nhưng nói một cách đơn giản là từ sáng tới tối, các tế bào và mô đốt năng lượng dưới dạng một phân tử có tên là adenosine triphosphate, hay ATP. Khi ATP đốt năng lượng vì các hoạt động của chúng ta như suy nghĩ, tập thể dục, hay hội họp, nó tạo ra một sản phẩm phụ có tên là adenosine. Chất adenosine này tiếp tục liên kết với các thụ thể trong não, khiến chúng ta buồn ngủ hơn.
Xét về mặt hóa học, caffeine cũng giống như adenosine ở cấp độ phân tử, đó là nó chiếm các vị trí liên kết đó, ngăn không cho adenosine liên kết với các thụ thể não. Kết quả là caffeine tạm thời kìm hãm áp lực ngủ, làm chúng ta thức tỉnh. Nhưng cùng lúc đó, adenosine vẫn tiếp tục tích tụ trong cơ thể. Khi caffeine hết tác dụng, chúng ta có áp lực ngủ rất cao, và lúc này không còn cách nào khác là chúng ta phải đi ngủ.
Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn là càng uống cà phê, cơ thể càng “dung dưỡng” cho nó nhiều hơn. Gan thích ứng với chuyện đó bằng cách tạo ra các protein phá vỡ caffeine nhanh hơn, và các thụ thể adenosine trong não nhân lên, để chúng có thể tiếp tục nhạy cảm với mức độ adenosine nhằm điều chỉnh chu kỳ ngủ của chúng ta. Cuối cùng, lượng caffeine ngày càng tăng có tác động tiêu cực đến giấc ngủ, làm cho chúng ta cảm thấy mệt mỏi thêm.
Caffeine có thể làm tăng lượng đường trong máu hoặc làm mất nước, cả hai điều này đều làm cho chúng ta cảm thấy mệt mỏi. Nếu anh em cảm thấy uể oải vào buổi chiều ngay cả khi uống một ly cà phê, giải pháp có thể là đừng uống thêm cà phê nữa. Cũng không nên uống cà phê mỗi ngày, hoặc ngưng uống vài ngày để cơ thể có thể loại bỏ hết caffeine, và sau đó từ từ uống lại. Việc uống cà phê nên vui vẻ và hữu ích, và mang lại sự tỉnh táo khi chúng ta cần. Nếu cảm thấy caffeine không còn hiệu quả nữa, chỉ còn cách là đi ngủ, hoặc tập thể dục, hoặc đi bộ ngoài trời. Những cách này cũng giúp anh em cảm thấy tỉnh táo và sảng khoái hơn. Để chống lại buồn ngủ thì giải pháp tốt nhất là đi ngủ thôi.
Nguồn: Tinhte